
13 Aug Răng vĩnh viễn và răng sữa: răng mọc hai hàng
RĂNG MỌC HAI HÀNG LÀ GÌ
Răng mọc hai hàng là tình trạng khi đến tuổi thay răng sữa, răng sữa chưa rụng mà răng vĩnh viễn đã mọc lên.
Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi vị trí, tuy nhiên hay gặp nhất là ở răng cửa hàm dưới. Vị trí khác cũng có thể gặp là vị trí răng cối sữa hàm trên và hàm dưới.
Ở TUỔI NÀO THƯỜNG GẶP RĂNG MỌC HAI HÀNG
Hiện tượng này hay gặp ở độ tuổi thay răng tương ứng. Ví dụ:
- Ở răng cửa hàm dưới, độ tuổi hay gặp là từ 6-7 tuổi.
- Ở răng cối sữa, độ tuổi hay gặp là từ 9-12 tuổi.
CHA MẸ THƯỜNG LO SỢ ĐIỀU GÌ
Trên đường răng vĩnh viễn mọc lên, nếu nó tiếp xúc với chân răng sữa thì sẽ làm tiêu chân răng sữa, từ đó làm răng sữa lung lay.
Khi răng vĩnh viễn ở xa răng sữa, chân răng sữa còn nguyên hoặc chỉ bị vát một phần, lúc đó răng sữa sẽ vẫn cứng dù răng vĩnh viễn sẽ mọc cao.
Cha mẹ nên hướng dẫn con tự lung lay răng sữa này bằng ngón tay, đương nhiên là phải rửa sạch tay trước đó.
Bác sĩ khuyên nên lung lay trong tối đa 1-2 tuần. Sau đó dù răng có lung lay hay không cũng nên đưa đến để bác sĩ nhổ răng sữa.
Khi răng lung lay nhiều, bác sĩ sẽ chỉ cần bôi thuốc tê rồi nhổ.
Nếu răng không hoặc ít lung lay, bác sĩ sẽ chích thuốc tê rồi nhổ.
Dù bôi hay chích, thì chỉ cần bé hợp tác há miệng nằm yên, bác sĩ sẽ có cách làm nhanh mà hoàn toàn không đau hoặc đau rất rất rất ít.
Vấn đề chủ yếu là tâm lý: có bé sợ kim, có bé sợ tiếng động, có bé sợ dụng cụ, thậm chí có bé sợ màu áo trắng, hoặc chỉ cần vào phòng nha là đã khóc rồi.
Do đó phụ huynh nên cho bé tập làm quen với nha khoa từ nhỏ. Hướng dẫn chi tiết trong bài viết khác.
Đối với răng cửa hàm dưới, vị trí răng vĩnh viễn thường nằm trong vị trí răng sữa (như trong hình).
Thường sau khi răng sữa rụng hoặc được nhổ đi, răng vĩnh viễn sẽ tự chạy ra mà không cần làm gì thêm.
Đừng hướng dẫn bé dùng ngón tay hoặc dùng lưỡi để đẩy răng về vị trí cũ, vì sẽ phát sinh thói quen xấu sau này khó bỏ.
Nếu sau 3 tháng răng thay thế không về vị trí cũ, nên đưa bé đi khám với bác sĩ nha khoa.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CHA MẸ
- Nên cho trẻ đi khám sớm để làm quen với việc chăm sóc răng tại phòng nha.
- Nên cho trẻ tập đánh răng sớm để hình thành thói quen tốt.
- Phải đánh răng lại cho con khi trẻ còn chưa tự đánh răng tốt được, nghĩa là dưới 6 tuổi.
- Không nên hù dọa trẻ, nhất là dùng bác sĩ để hù dọa. Trẻ sẽ có ấn tượng xấu và kém hợp tác với bác sĩ khi cần thiết.
- Tuyệt đối không cố dùng tay hoặc lưỡi để đẩy răng vĩnh viền vào vị trí mong muốn. Hành động đó sẽ tạo thói quen xấu, ảnh hưởng tới bộ răng vĩnh viễn sau này.
Hy vọng những thông tin bên trên giúp ích được ít nhiều cho các bậc phụ huynh có con đang ở độ tuổi thay răng. Nếu có gì thắc mắc quý vị đừng ngại đặt câu hỏi ở mục liên hệ nhé!
No Comments