breastfeeding

VẤN ĐỀ RĂNG MIỆNG Ở TRẺ BÚ MẸ

Ngày nay, việc cho bé bú mẹ ngày càng được khuyến khích. Trẻ bú mẹ có nhiều lợi ích, trong số đó có thể kể đến: giảm nguy cơ hen suyễn, dị ứng, bệnh nhiễm trùng và béo phì.

Về phía người mẹ, lợi ích của người mẹ khi cho con bú mẹ bao gồm cả giảm nguy cơ phát triển ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Về mặt sức khỏe răng miệng của trẻ, có vài vấn đề cần lưu ý khi cho bé bú mẹ:

TRẺ BÚ MẸ CÓ THỂ CÓ KHỚP CẮN TỐT HƠN

Rất nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu ít có vấn đề về khớp cắn hơn, ví dụ cắn hở, cắn chéo, khớp cắn sâu, so với trẻ không bú mẹ hoặc bú mẹ ít hơn.

Tuy nhiên, điều đó không phải là bảo đảm trẻ sau này hoàn toàn không cần niềng răng. Những yếu tố khác, như di truyền, ngậm núm vú giả, mút ngón tay… có thể ảnh hưởng tới khớp cắn.

CÓ CẦN CAI BÚ MẸ KHI BÉ MỌC RĂNG KHÔNG?

Nhiều bà mẹ trẻ thường hỏi về vấn đề này, lý do thường nhất là sau khi mọc răng, bé thường làm mẹ đau khi bú mẹ.

Đây là vấn đề rất cá nhân và câu trả lời là: không nhất thiết cai sữa nếu bạn vẫn muốn cho bé bú.

Các tổ chức sức khỏe thường khuyên cho bé bú mẹ cho đến khi bé được 1 đến 2 tuổi. Tuy nhiên, tùy bà mẹ và tùy em bé, thời điểm cai sữa có thể thay đổi, miễn sao bà mẹ thấy thời điểm nào là tốt nhất cho hai mẹ con.

BÚ MẸ LÀM GIẢM NGUY CƠ SÂU RĂNG DO BÚ BÌNH

Một lợi ích khác của trẻ bú mẹ là bé sẽ giảm nguy cơ bị sâu răng do bú bình.

Sâu răng do bú bình có nguyên nhân là do răng bé tiếp xúc thường xuyên, kéo dài với đường trong sữa hoặc nước ngọt, nước hoa quả mà mẹ cho bé uống bằng bình sữa. Loại sâu răng này thường gặp ở bé ngậm bình trong khi ngủ.

TRẺ BÚ MẸ VẪN CÓ NGUY CƠ BỊ SÂU RĂNG

Nhiều bà mẹ trẻ có một suy nghĩ sai lầm là: bé bú mẹ thì không bị sâu răng.

Bác sĩ Trình đã gặp nhiều trường hợp răng bé bị sâu nặng nề một cách đáng tiếc vì mẹ nghĩ rằng không bú bình thì không sâu răng.

Đó là một suy nghĩ sai lầm. Sữa mẹ vẫn có đường, và tiếp xúc kéo dài, thường xuyên với đường, dù là đường trong sữa mẹ, thì vẫn có thể gây sâu răng.

Do đó, dù là bú mẹ hay bú bình, hãy chăm sóc răng em bé cẩn thận theo hướng dẫn trong bài này để hạn chế sau răng ở trẻ.

LÀM RĂNG TRONG KHI CHO CON BÚ CÓ AN TOÀN KHÔNG?

Nếu phải khám răng trong khi cho con bú, hãy hỏi kỹ bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ nhi trước khi uống bất cứ loại thuốc nào.

Thông thường, điều trị nha khoa ít khi nào ảnh hưởng tới em bé đang bú mẹ, trừ khi mẹ phải uống thuốc để điều trị vấn đề răng miệng.

Dù vậy, nếu việc điều trị là bắt buộc, hãy hỏi bác sĩ để có cách uống thuốc an toàn nhất cho mẹ và bé.

CÁC BÀ MẸ ĐỪNG QUÊN CHĂM SÓC BẢN THÂN!

Mình quan sát thấy, các bà mẹ mới sinh thì chăm cho con nhiều hơn cho mẹ. Nhiều bà mẹ mới sinh thậm chí không đánh răng, hoặc chỉ đánh răng vào buổi sáng.

Các mẹ nhớ là chăm sóc cho mình chính là chăm sóc cho con nhé. Tưởng tượng mình bị đau răng, tinh thần căng thẳng thì sao chăm con tốt được? Chưa kể trường hợp đau nhiều phải đi khám, phải uống thuốc, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới việc chăm con.

Thế cho nên, chăm sóc cho bản thân cũng chính là chăm cho con.

Những vấn đề răng miệng thường gặp ở các bà mẹ mới sinh con là:

  • Uống thiếu nước: gây nhiều vấn đề toàn thân, trong đó có khô miệng. Miệng khô thì răng không được bảo vệ tốt, dễ sâu răng hơn bình thường. Khô miệng cũng gây hôi miệng, giảm vị giác, ăn kém ngon.
  • Nghiến răng: căng thẳng, thiếu ngủ khi chăm con làm tăng nghiến răng trong vô thức của mẹ. Hậu quả: mỏi vai gáy, tổn thương răng.
  • Sâu răng: sai giai đoạn viêm nướu thai kỳ là giai đoạn chăm con sơ sinh. Răng vốn đã dễ bị tổn thương nay lại thiếu chăm sóc nên răng dễ bị sâu hơn bình thường.

 

Tóm lại, bác sĩ Trình có một số lời khuyên sau với các bà mẹ mới sinh:

Nếu có gì cần thắc mắc, đừng ngại đặt câu hỏi với bác sĩ Trình tại đây nhé!

Tags:
No Comments

Post A Comment