Baby brushes tooth

THÓI QUEN TỐT CHO RĂNG EM BÉ

Điều nhiều bậc cha mẹ không ngờ tới là ngay khi răng sữa bắt đầu mọc nó đã có thể bị sâu. Răng sữa bị sâu thường nhất là do bú bình đêm, do ăn bánh kẹo nhiều, do vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, kể cả trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn có thể sâu răng.

Những răng bị sâu nhiều nhất thường là răng cối sữa, mặt trong các răng cửa, kẽ các răng. Thậm chí ở những bé vệ sinh kém thì chuyện sâu tất cả 20 chiếc răng không phải là hiếm.

Sâu răng sớm ở trẻ gây nhiều hậu quả. Tuy nhiên, đừng quá lo vì sâu răng có thể ngừa được nhờ thực hành những thói quen tốt sau:

LAU RĂNG / ĐÁNH RĂNG

  • Bắt đầu lau miệng cho bé ngay từ khi mới sinh bằng gạc ẩm.
  • Khi trẻ mới mọc những chiếc răng đầu tiên: nếu chưa dùng được bàn chải vẫn có thể lau răng cho sạch bằng gạc ẩm. 
  • Có thể thử dùng một tí kem đánh răng dành cho trẻ em để em bé quen dần với mùi vị kem đánh răng. Có thể phải thử vài loại mới tìm được mùi vị bé chấp nhận được.
  • Tập đánh răng bằng bàn chải càng sớm càng tốt.
  • Biến buổi đánh răng thành niềm vui, đừng ép bé quá khiến em bé sợ và sinh tâm lý bất hợp tác.

Xem bài Vệ sinh răng miệng ở trẻ để biết chi tiết.

ĐỘ TUỔI MỌC RĂNG

Theo dõi độ tuổi mọc răng của bé trong bài Tuổi mọc răng. Thời điểm mọc răng sữa chênh lệch vài tháng không phải vấn đề.

Nếu bé mọc không cân xứng (không đối xứng, một bên mọc mà bên kia trong 3 tháng chưa mọc) thì cần đi khám để biết nguyên nhân.

Hội chứng mọc răng

Hội chứng mọc răng có thể là vấn đề răng miệng đầu tiên trong đời của trẻ. Gọi là hội chứng vì khi mọc răng bé có thể có nhiêu triệu chứng xảy ra cùng lúc: bứt rứt khó chịu, sốt, kém ăn, tiêu chảy.

Xem bài Mọc răng sữa để biết cách làm bé dễ chịu hơn nhé!

LẦN KHÁM RĂNG ĐẦU TIÊN

Các bác sĩ khuyên ba mẹ nên đưa bé đi khám răng lần đầu trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng tuổi, nghĩa là ngay từ khi chiếc răng đầu tiên mọc cho đến khi bé thôi nôi.

Trong lần khám răng đầu tiên này, bé sẽ được kiểm tra xem có bất thường gì không, cha mẹ sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc răng con, và quan trọng nhất: cho bé làm quen với việc khám răng.

Đừng đợi đến khi bé bị sâu răng, đau răng hay cấp cứu nha khoa như chấn thương mới cho bé đi khám. Những bé được khám răng trễ thường thiếu hợp tác, và việc điều trị răng đôi khi phải làm dưới gây mê.

Ngoài ra, cha mẹ cần nhớ những điều sau:

  • Nên khám vào buổi nào em bé cảm thấy dễ chịu nhất. Thường vào buổi sáng là tốt nhất, khi cả em bé, cha mẹ, và bác sĩ nữa, tràn đầy năng lượng nhất.
  • Đừng quá căng thẳng. Đôi khi cha mẹ căng thẳng còn hơn con, và ở trẻ nhỏ, chúng đọc cảm xúc của người lớn nhanh lắm. Các bé sẽ bị nhiễm sự căng thẳng đó mà cha mẹ không biết.
  • Không bao giờ lấy việc khám răng hoặc đi gặp bác sĩ, đi bệnh viện… ra để hù dọa trẻ. Những câu kiểu như: “ngoan không là mẹ kêu bác sĩ bây giờ”, “ăn đi không là bác sĩ chích đó”… là những câu gieo vào đầu em bé suy nghĩ: bác sĩ là người đáng sợ, và chúng sẽ tự nhiên hình thành tâm lý phản kháng, không chấp nhận bác sĩ khám.
  • Ngược lại, đừng dụ dỗ, “hối lộ” con bạn. “Ăn giỏi đi, mai khỏi đi khám” cũng có tác dụng trên tâm lý không khác gì “Ăn đi không mẹ cho bác sĩ chích bây giờ”.
  • Đừng cưỡng ép, mà giải thích với trẻ về việc đi khám răng. Ở tuổi 2-3 tuổi, bé đã hiểu được lý lẽ rồi.

SỬ DỤNG FLUORIDE

Fluoride là một khoáng chất tự nhiên, thường có trong nước uống, thức ăn… Fluoride ngày nay thường được bổ sung vào nước máy, trong kem đánh răng, nước súc miệng nhằm giúp ngừa sâu răng.

Trẻ em không được bổ sung fluoride trong nước uống hoặc kem đánh răng có tỉ lệ sâu răng cao hơn, vì fluoride giúp men răng đề kháng tốt hơn trước acid gây sâu răng, và đối với trường hợp tiền sâu răng (sâu răng giai đoạn chưa có lỗ), fluoride giúp sửa chữa và gia cố lớp men răng.

Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều fluoride có thể dẫn đến tình trạng nhiễm fluor ở hệ răng, hoặc nặng hơn là nhiễm fluoride trên hệ xương. Xem bài fluoride để biết thêm chi tiết.

NGẬM NÚM VÚ GIẢ

Trẻ nhỏ thường được cho ngậm núm vú giả, hoặc có thói quen ngậm ngón tay, mút môi dưới. Nhiều bà mẹ “sáng kiến” cho con ngậm núm vú giả ngâm nước đường, điều này có thể dẫn đến sâu răng.

Nên vệ sinh núm vú bằng nước sạch, đừng để bẩn. Cũng đừng ngậm núm vú (hay muỗng đút ăn cho bé) vì sẽ làm lây vi khuẩn gây sâu răng cho bé.

NHỮNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN CHỦ ĐỀ RĂNG SỮA

Bắt đầu đánh răng cho bé từ khi mấy tuổi? Đánh răng cho trẻ như thế nào? Dùng bàn chải nào? Dùng bàn chải máy được không? Kem đánh răng lo

No Comments

Post A Comment